Cơ quan bảo hiểm xã hội giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan việc đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ số năm đóng hưởng lương hưu.
Bạn đọc hỏi: Mẹ tôi năm nay 54 tuổi đóng bảo hiểm bắt buộc 8 năm, đóng tự nguyện 2 năm. Năm nay, mẹ tôi đang muốn đóng luôn 10 năm (120 tháng) để hưởng lương hưu. Nếu mẹ tôi đóng như vậy lương hưu được hưởng là bao nhiêu % khi về hưu?
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu của nhóm đối tượng này được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Do đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:
Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 6 tháng (Tăng 3 tháng so với năm 2021).
Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 8 tháng (Tăng 4 tháng so với năm 2021).
Tại Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26.6.2020 quy định: Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Đối chiếu quy định nêu trên năm nay Mẹ bạn chưa đủ điều kiện về tuổi để được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18.11.2020: Lao động nữ nghỉ hưu năm 2022 từ đủ 55 tuổi 8 tháng trở lên.
Nguồn: https://laodong.vn/giai-dap-phap-luat/dong-mot-lan-du-20-nam-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-de-huong-luong-huu-994757.ldo