Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chế độ ưu đãi thuế ở các nước đang phát triển?
Vào đầu tháng 6, các nước G7 đã đạt được thỏa thuận buộc các công ty đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn. Về nguyên tắc, G7 đã đồng ý áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tối thiểu là 15% với mục đích ngăn chặn cạnh tranh về thuế. Một số nước G7 xem tỷ lệ này là quá thấp (ví dụ, Hoa Kỳ ủng hộ mức 21%). Cho đến nay, Thỏa thuận này đã lần lượt nhận được sự đồng thuận trong các diễn đàn lớn và các khuôn khổ hợp tác khác nhau. Cụ thể, ngày 01/7/2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí với quy định áp mức thuế tối thiếu trên phạm vi toàn cầu; các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng đã thông qua thỏa thuận này vào trung tuần tháng 7/2021. Tuy nhiên, một vài điều khoản của thỏa thuận vẫn cần hoàn thiện trước khi cuộc họp Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 10/2021 cũng như tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của 139 quốc gia tham gia vào Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD / G20 (Inclusive Framework).
Nếu được thông qua, một mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Các quốc gia sẽ phải bãi bỏ các ưu đãi thuế đang hiện diện trong nội luật và các hiệp định đầu tư để áp dụng mức thuế có hiệu lực phù hợp với mức thuế tối thiểu toàn cầu. Mặc dù đối với các ưu đãi về thuế trong nội luật, một quốc gia có thể chủ động hủy bỏ các ưu đãi này bằng cách sửa đổi luật pháp của mình, nhưng có một số ưu đãi mà các nước này đã đưa ra sẽ vẫn phải tuân thủ theo các điều khoản ổn định thuế trong các thỏa thuận hoặc hợp đồng với các nhà đầu tư cụ thể – và điều này có thể là trở ngại đối với việc thực hiện đầy đủ mức thuế tối thiểu toàn cầu. Báo cáo tóm tắt này nghiên cứu tác động của mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với việc sử dụng các ưu đãi thuế ở các nước đang phát triển và những thỏa thuận chuyển tiếp nào là cần thiết để bảo vệ các nước khỏi rủi do dịch chuyển nguồn thu thuế ra khỏi các nước đang phát triển.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các ưu đãi thuế:
Mức thuế tối thiểu toàn cầu được đặt ra nhằm mục đích giảm bớt sự cạnh tranh về thuế và sự dịch chuyển lợi nhuận trong mọi lĩnh vực kinh tế. Nếu được thông qua, điều này sẽ được thực hiện thông qua các quy tắc để đảm bảo tất cả lợi nhuận toàn cầu của các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ bị đánh thuế ít nhất là ở mức Thuế suất hiệu dụng (Effective Tax Rate – ETR) tối thiểu.
Theo đề xuất hiện tại, mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng cho các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu trên 750 triệu euro. ETR được tính toán hàng năm trên cơ sở từng quốc gia. Theo đó ETR tính bằng cách lấy tổng số thuế đánh vào lợi nhuận doanh nghiệp được nộp cho cơ quan chính phủ, hay “thuế thực trả” (tử số), chia cho tổng mức lợi nhuận kế toán (mẫu số), ETR được biểu thị dưới dạng phân số.
Trong một năm tính thuế, nếu ETR của một công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu được thỏa thuận trên toàn cầu, thì công ty mẹ phải trả ‘thuế bổ sung’ trên phần thu nhập tương ứng trong thu nhập của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, cho quốc gia nơi đặt trụ sở (thường được gọi là quốc gia mẹ hoặc quốc gia cư trú). Trong một số trường hợp nhất định, trách nhiệm đối với khoản thuế bổ sung sẽ chuyển sang một hoặc nhiều thành viên khác của tập đoàn đa quốc gia. Do đó, những nước hưởng lợi chính của chính sách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ là các nước xuất khẩu vốn, nơi các công ty đa quốc gia thường đặt trụ sở chính, đây là những nước được ưu tiên đánh thuế đầu tiên đối với phần lợi nhuận tính thuế. Đề xuất bao gồm ba quy tắc khác, hai trong số đó có thể mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển, nhưng chúng không có khả năng tạo ra nguồn thu đáng kể.
Trên thực tế, điều này có ý nghĩa gì đối với một công ty nằm ở ba khu vực pháp lý, với công ty con thứ nhất ở Quốc gia A, công ty con thứ hai ở Quốc gia B và công ty mẹ ở Quốc gia C? Ở cả ba khu vực pháp lý, công ty nộp thuế theo quy tắc thuế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nếu các công ty con thứ nhất và thứ hai không nộp thuế ở mức thuế suất cao hơn hoặc bằng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, thì số thuế bổ sung, là số thuế chênh lệch giữa ETR và thuế suất tối thiểu toàn cầu, sẽ được Quốc gia C thu theo quy tắc bao gồm toàn bộ thu nhập toàn cầu.
Do đó, một khi cải cách thuế quốc tế này được ban hành, bất kỳ công ty con nào của một công ty đa quốc gia sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất là ở mức thuế tối thiểu – 15%, theo đề xuất của G7. Về nguyên tắc, điều này có thể dễ dàng đạt được, vì hầu hết các nước đang phát triển có thuế suất doanh nghiệp theo luật định cao hơn nhiều, dao động từ 20 đến 40%. Tuy nhiên, các công ty có thể trả ít hơn mức thuế tối thiểu (ETR thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%) vì họ được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế. Có hai loại ưu đãi thuế mà các nước đang phát triển thường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Loại thứ nhất là các biện pháp khuyến khích tạo ra sự khác biệt mang tính tạm thời hoặc có thời hạn giữa các báo cáo tài chính của các công ty kê khai lợi nhuận theo các chuẩn mực kế toán quốc tế (“lợi nhuận kế toán”) và thu nhập chịu thuế của họ, được tính dựa trên các quy định về thuế trong nước – ví dụ: khấu hao nhanh tài sản cố định. Những ưu đãi này không làm giảm tổng số tiền thuế phải nộp; mà chỉ giúp các công ty có thể trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Những ưu đãi dạng này có xu hướng đạt được hiệu quả trong việc thu hút đầu tư: chúng giúp giảm giá vốn và do đó làm cho các khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời dù thấp nhưng vẫn có thể khả thi. Diễn đàn Hợp tác chung (Inclusive Framework) có cam kết tìm ra giải pháp hài hòa để kiểm soát tính công bằng của loại ưu đãi này theo hướng có thể không cần đánh thuế bổ sung trong trường hợp thực hiện ưu đãi loại này. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa xác định được cách thức chi tiết để thực hiện điều này.
Loại ưu đãi thuế thứ hai đơn thuần là giảm hoặc loại bỏ các loại thuế đánh vào lợi nhuận, thường trong một khoảng thời gian nhất định – ví dụ, miễn thuế, thuế suất ưu đãi, giảm trừ/khấu trừ thuế, hỗ trợ đầu tư hoặc miễn thu nhập. Những ưu đãi thuế này thường được coi là kém hiệu quả hơn so với loại ưu đãi thuế thứ nhất nêu trên và có nhiều khả năng dẫn đến sự dịch chuyển lợi nhuận. Đây là những loại ưu đãi mà cuộc cải cách thuế lần này nhắm tới. Mức thuế tối thiểu toàn cầu khi được thống nhất áp dụng sẽ khiến nhiều ưu đãi này không còn ý nghĩa, bởi vì bất kỳ công ty đa quốc gia nào được hưởng lợi từ ưu đãi mà thuế suất của họ thấp hơn mức tối thiểu sẽ phải nộp thuế bổ sung cho cơ quan thuế nước ngoài (thường là nước cư trú của công ty nhận ưu đãi).
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chỉ ảnh hưởng đến thuế tính trên lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Điều này sẽ bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khấu trừ tại nguồn đối với các khoản thanh toán cổ tức hoặc tiền lãi xuyên biên giới và bất kỳ khoản thu nào dựa trên lợi nhuận như tiền bản quyền khai thác khoáng sản dựa trên lợi nhuận hoặc thuế đánh vào địa tô. Nó sẽ không ảnh hưởng đến các loại thuế và phí không dựa trên thu nhập doanh nghiệp như VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế dựa trên doanh thu như thỏa thuận phân chia nguồn thu và không ảnh hưởng đến bất kỳ ưu đãi nào do chính phủ cấp đối với các dòng doanh thu này. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các quốc gia có nên cạnh tranh thu hút đầu tư bằng cách giảm các loại thuế khác với thuế thu nhập doanh nghiệp này trong tương lai hay không. Lời khuyên là không nên, đặc biệt là khi xét rằng các loại thuế này đáng tin cậy hơn và dễ thu hơn so với thuế đánh vào thu nhập của doanh nghiệp.
Các nước đang phát triển nên sửa đổi các chế độ ưu đãi thuế như thế nào để có thể được hưởng lợi hơn là chịu thiệt do tác động của mức thuế tối thiểu toàn cầu?
Mục tiêu của thuế tối thiểu toàn cầu là chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế TNDN. Với mức thuế tối thiểu toàn cầu, tất cả các quốc gia được khuyến khích hành động để hưởng lợi từ việc hạn chế cạnh tranh thuế và tránh việc các khoản thu thuế bị thu ở nơi khác theo mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Đầu tiên, các quốc gia sẽ phải đảm bảo mức thuế thu nhập doanh nghiệp chính của họ cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu. Ví dụ, Hoa Kỳ đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 28% và mức thuế tối thiểu toàn cầu là 21%. Lý do là mức thuế tối thiểu toàn cầu dựa trên thuế suất hiệu dụng (ETR) là tổng số thuế thực trả cho chính phủ chia cho lợi nhuận kế toán. Thuế suất hiệu dụng ETR trong một số năm có thể thấp hơn thuế suất cơ bản. Ngay cả mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao ở mức 30% cũng có thể dẫn đến mức thuế hiệu dụng ETR thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu trong một số năm nhất định.
Thứ hai, các quốc gia nguồn nên xóa bỏ tất cả các ưu đãi thuế từ danh mục thứ hai được mô tả trong phần 2 tại các luật thuế và luật đầu tư nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế đánh vào lợi nhuận . Các hình thức khuyến khích này không chỉ bị hạn chế bởi hiệu quả thấp trong việc thu hút đầu tư vào các nước đang phát triển, mà với mức thuế tối thiểu toàn cầu, chúng sẽ không đạt được mục tiêu đã định, thậm chí còn dẫn đến việc chuyển thuế từ các quốc gia nguồn sang các quốc gia cư trú của các công ty đa quốc gia.
Một giải pháp thay thế khác là các quốc gia sẽ đưa ra mức thuế tối thiểu trong nước, trên tổng doanh thu hoặc lợi nhuận được sửa đổi, để đảm bảo rằng không có công ty nào trả thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu mới trong khu vực tài phán của họ. Các loại thuế tối thiểu trong nước ngày càng phổ biến. Một nghiên cứu của IMF cho thấy vào năm 2018, 52 quốc gia đánh loại thuế này1Thay vì dựa vào thuế thu nhập doanh nghiệp để đạt được mức thuế tối thiểu toàn cầu, các quốc gia sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu đối với tổng doanh thu, hoặc ngoài thuế suất doanh nghiệp. Phương án này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho các nước đang phát triển trong việc tạo lập chính sách hơn là cắt giảm từng ưu đãi thuế trong luật và các hợp đồng.
Các nước đang phát triển có thể làm gì nếu một số ưu đãi thuế đang bị quy định cứng trong các điều khoản ổn định của các hiệp định đầu tư hay luật?
Trong hầu hết các trường hợp, các ưu đãi thuế quy định trong các luật đầu tư và luật thuế và có thể bị các chính phủ đơn phương từ chối hoặc loại bỏ hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển đã ký kết các hiệp định thuế sửa đổi đối với các dự án đầu tư lớn, thông qua các quy định đặc biệt trong luật hiện hành trong nước, hoặc trong các hợp đồng đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài. Loại hình cam kết này đặc biệt phổ biến trong các ngành công nghiệp khai thác. Các hiệp định này thường chứa các nội dung ưu đãi thuế quy định cứng tại các điều khoản ổn định tài khóa. Trong khi các điều khoản ổn định này có thể rất đa dạng, chúng thường có điểm chung là khóa cứng các điều khoản tài chính trong luật hoặc hợp đồng tại thời điểm một dự án bắt đầu để những thay đổi trong luật thuế không thể gây ảnh hưởng cho các dự án đầu tư hiện tại, ít nhất là trong một khoảng thời gian xác định.
Để phù hợp với mức thuế tối thiểu toàn cầu mới, các quốc gia sẽ cần phải sửa đổi các luật đó và đàm phán lại các hợp đồng, cho dù các điều khoản này có được ổn định hay không. Nếu không, những ưu đãi thuế này có thể tạo ra thu nhập không bị đánh thuế và khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp các ưu đãi thuế là đối tượng của một thỏa thuận ổn định, những quốc gia chọn đơn phương giải quyết thách thức này có thể dẫn đến việc tranh chấp bằng trọng tài với các công ty, gây tốn kém và không chắc chắn.
Một số hiệp ước đầu tư song phương bao gồm các điều khoản tương tự như Đối xử Công bằng và Bình đẳng (Fair and Equipment Treatment -FET) với các điều khoản ổn định. Một số hội đồng trọng tài có thể diễn dịch những điều này là cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của khung pháp lý và do đó có khả năng mở rộng số lượng các ưu đãi thuế mà các chính phủ sở tại không thể đơn phương thay đổi. Các quốc gia cũng có thể cần phải xem xét lại các hiệp ước của họ đối với các điều khoản FET quá rộng.
Các quốc gia phải kêu gọi Diễn đàn Hợp tác chung lên tiếng để có thể tìm ra giải pháp toàn cầu. Nếu không, kết quả sẽ không bền vững về mặt chính trị đối với các chính phủ và gây rủi ro cho việc cấp phép hoạt động của nhà đầu tư.
Giải pháp cần hướng đến giải quyết các mục tiêu sau:
• Ngăn chặn việc chuyển doanh thu thuế từ nước sở tại sang các nước nguồn do phát sinh từ các ưu đãi thuế ổn định.
• Thúc đẩy các quốc gia sửa đổi luật, hiệp địnhvà thỏa thuận đầu tư để điều chỉnh theo tác động của mức thuế tối thiểu, kể cả điều này có thể gây ảnh hưởng đến các điều khoản ổn định. Đây không phải là việc hủy bỏ đồng loạt các điều khoản bình ổn, mà là sửa đổi một cách hạn chế các ưu đãi thuế ổn định có thể dẫn đến việc làm trái với các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu mới.
• Bảo vệ các quốc gia chọn loại bỏ các ưu đãi thuế khỏi các thỏa thuận ổn định với mục đích rõ ràng là đưa ETR phù hợp với tỷ lệ toàn cầu tối thiểu, không để các quốc gia này bị tổn hại do quá trình tố tụng trọng tài được đệ trình để chống lại họ
Thay vì trả thuế ở nơi khác, có khả năng là hầu hết các công ty sẽ cởi mở để giải quyết vấn đề này với quốc gia sở tại. Do đó, các công ty nên ủng hộ việc sửa đổi các điều khoản ổn định để phù hợp với mức thuế tối thiểu toàn cầu mới và đưa ra các điều kiện mà theo đó họ sẽ không thách thức chính phủ sửa đổi thời gian ưu đãi thuế ổn định để đưa lên mức ETR tối thiểu.
Phần kết luận
Tùy thuộc vào thiết kế cuối cùng của nó, mức thuế tối thiểu toàn cầu có thể giúp giảm sự dịch chuyển lợi nhuận trên tất cả các lĩnh vực. Nó cũng có thể bảo vệ các nước đang phát triển khỏi áp lực phải cạnh tranh mời chào các nhà đầu tư bằng các ưu đãi hoặc dãn thuế mà từ đó có thể làm giảm nguồn thu ngân sách cần thiết của chính phủ. Tuy nhiên, để chính sách này này có hiệu quả, các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề về các điều khoản ưu đãi thuế mà các nước này đang phải cam kết với các nhà đầu tư tại các luật, hiệp ước và hợp đồng. Nếu không, các nước này có thể bị thiệt hai lần: thứ nhất, mất nguồn thu từ việc áp dụng ưu đãi thuế, và thứ hai, mất quyền đánh thuế cho các nước phát triển. Vì tất cả những lý do trên, Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD / G20 (Inclusive Framework) nên xem đây là một vấn đề cần ưu tiên giải quyết.
Nguồn: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM208315