Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thiên nhiên thì phải nộp thuế tài nguyên. Vậy thuế tài nguyên là gì, có phải tất cả hoạt động khai thác tài nguyên đều phải nộp thuế?
Thuế tài nguyên là gì?
Thuế tài nguyên là loại thuế gián thu, là số tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên (nếu tài nguyên này thuộc đối tượng chịu thuế).
Theo đó, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân khi khai thác tài nguyên thiên nhiên thì có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế theo quy định.
– Riêng với khai thác khoáng sản thì tổ chức, hộ kinh doanh khai thác có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về phương pháp xác định giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên khai thác, kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên của tháng đầu tiên khai thác.
– Hàng tháng phải thực hiện khai thuế đối với toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng (theo Điều 9 Thông tư 152/2015/TT-BTC).
Đối tượng chịu thuế tài nguyên
Theo Điều 2 Thông tư 152/2015/TT-BTC thì đối tượng chịu thuế là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo…của nước Việt Nam quy định, gồm:
– Khoáng sản kim loại.
– Khoáng sản không kim loại như: Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình; đất làm gạch…
– Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ.
– Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển.
– Nước thiên nhiên, bao gồm: Nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy.
– Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.
Ngoài ra, đối tượng chịu thuế còn có tài nguyên thiên nhiên khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Khi nào phải nộp thuế tài nguyên?
Theo Điều 3 Thông tư 152/2015/TT-BTC thì khi tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc đối tượng chịu thuế thì phải nộp thuế.
Trong một số trường hợp người nộp thuế được quy định rõ như sau:
– Với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép.
+ Tổ chức (chủ yếu là doanh nghiệp) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép, được phép hợp tác với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và có quy định riêng về người nộp thuế thì người nộp thuế được xác định theo văn bản đó.
+ Tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép, sau đó có văn bản giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện khai thác tài nguyên thì mỗi đơn vị khai thác là người nộp thuế tài nguyên.
– Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế.
– Tổ chức, cá nhân nhận thầu thi công công trình trong quá trình thi công có phát sinh sản lượng tài nguyên mà được phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc không trái quy định của pháp luật khi thực hiện khai thác sử dụng hoặc tiêu thụ thì phải khai, nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi để phát điện thì là người nộp thuế, không phân biệt nguồn vốn đầu tư công trình thuỷ lợi…
– Đối với tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác hoặc khai thác trái phép bị bắt giữ, tịch thu thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên và được phép bán ra thì tổ chức được giao bán phải khai, nộp thuế tài nguyên theo từng lần phát sinh.
Như vậy, thuế tài nguyên là loại thuế gián thu (người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một); khi tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế thì phải nộp thuế.