Cải cách quản lý thuế là một cấu phần quan trọng của Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2021-2030. Với thực tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đòi hỏi hệ thống thuế phải đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết liệt chuyển đổi số và xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý trong xu thế mới.
Nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, ngành Thuế hướng tới cải cách quản lý dựa trên 3 trụ cột chính là thể chế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Trên cơ sở định hướng này, ngành Thuế đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đảm bảo Luật Quản lý thuế cùng các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được bổ sung, hoặc ban hành mới đúng kế hoạch; tối thiểu 98% doanh nghiệp, tổ chức và tối thiểu 85% cá nhân khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử.
Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025 thu nợ đạt tối thiểu 80% nợ có khả năng thu thời điểm 31/12 năm trước chuyển sang, tỷ lệ này đến năm 2030 đạt tối thiểu 90%. Cùng với đó, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, đáp ứng 100% yêu cầu về thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế và dịch vụ điện tử cho người nộp thuế.
Để hiện thực hoá những mục tiêu này, thể chế quản lý thuế sẽ được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, công bằng, trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt, thống trong tất cả các nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện và cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý hiệu quả, hiệu lực.
Đối với công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, trên cơ sở phân loại theo nhóm nhu cầu hỗ trợ, ngành Thuế sẽ xây dựng các chương trình tuyền truyền phù hợp. Đối với công tác đăng ký, kê khai, hoàn thuế, kế toán thuế, sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng đơn giản, dễ dàng thực hiện các thủ tục.
Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý khai thuế đối với nền kinh tế số; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người nộp thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; chế độ kế toán thuế tập trung sẽ được thực hiện tự động bởi ứng dụng kế toán thuế tích hợp với các ứng dụng quản lý thuế để cập nhật tiến độ thực hiện nghĩa vụ với NSNN của từng người nộp thuế theo ngày.
Trong công tác thanh kiểm tra, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa một số bước công việc dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ ba; tăng cường đổi mới loại hình, phương pháp và kỹ thuật thanh tra, kiểm tra thuế theo rủi ro phù hợp với đặc điểm của từng nhóm người nộp thuế, nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra.
Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng hướng đến mục tiêu đơn giản hoá các thủ tục dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thời gian xử lý công việc, giảm nợ đọng thuế. Song hành với đó là nghiên cứu các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế khác nhau tùy theo tính chất của khoản nợ (theo tuổi nợ, loại nợ, địa bàn và mức độ phức tạp) để tăng hiệu quả trong quản lý nợ thuế.
Đối với công tác xây dựng tổ chức bộ máy hiệu quả là một yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong thời đại mới, ngành Thuế đang nghiên cứu đề xuất thành lập bộ phận thực hiện chức năng tiến hành một số hoạt động điều tra để nâng cao tính chủ động và thẩm quyền pháp lý của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế.
Đồng thời với việc kiện toàn bộ phận quản lý thuế doanh nghiệp lớn, kiểm tra nội bộ, thanh tra kiểm tra, ngành Thuế cũng hướng tới việc kiện toàn bộ phận quản trị chiến lược, quản lý rủi ro về thuế thuộc Tổng cục Thuế, cũng như bộ phận quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, vừa, hộ kinh doanh, cá nhân tại cơ quan thuế các cấp, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của Ngành.
Song song với đó, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy cục thuế, chi cục thuế theo địa bàn tỉnh, huyện, kết hợp với khu vực, nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của cơ quan thuế và kiện toàn tổ chức bộ máy, ngành Thuế sẽ không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thuế có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Hướng đến một ngành Thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, không thể không có một nền tảng công nghệ thông tin vững mạnh, trong giai đoạn 2021-2030, ngành Thuế sẽ xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm và hạ tầng kỹ thuật theo hướng cung cấp dịch vụ số cho người nộp thuế, công chức thuế và các đối tác; triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung, tích hợp, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thúc đẩy cải cách hành chính thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ và phân tích dữ liệu lớn, phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh kiểm tra, điều tra thuế…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nâng cấp các phần mềm quản lý nội ngành, theo mục tiêu đến năm 2025 hệ thống công nghệ thông tin sẽ đáp ứng yêu cầu xử lý truy cập từ xa cho 95% công chức có chức năng, nhiệm vụ và phấn đấu tỷ lệ này đến năm 2030 là 100%. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành Thuế tiếp tục cải cách toàn diện quản lý thuế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030, xây dựng ngành Thuế ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.
Nguồn: gdt.gov.vn